Ngày 8-6 (tức mùng 10-5 âm lịch), tại đảo yến Hòn Nội, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) tổ chức Lễ hội yến sào năm 2022. Đây là dịp để tri ân tổ nghề, tiếp tục phát huy truyền thống và đưa ngành nghề yến sào phát triển lên một tầm cao mới.
Tri ân thủy tổ
Lễ hội yến sào là sự kết hợp giữa tôn vinh ngành nghề, tri ân tiền nhân, vừa là dịp để Công ty Yến sào Khánh Hòa đánh giá một chặng đường xây dựng và phát triển, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Vì là lễ nên các hình thức thuộc về tập tục của cư dân ven biển đều được duy trì và áp dụng trong buổi tế. Từ sắc phục dành cho chủ tế và “lính” cầm cờ đến cách xướng của một bài văn tế đều được hậu thế duy trì một cách thiêng liêng và thành kính. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã kế tục công việc thiêng liêng này từ hàng chục năm nay và thường xuyên bổ sung vào lễ hội những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân ven biển Nam Trung Bộ. Trong Lễ hội yến sào Khánh Hòa, người tham gia được dịp trải nghiệm thú vị khi lênh đênh trên những chiếc tàu du lịch để ra các đảo yến và tận mắt chứng kiến những hang đảo của loài chim thiên di. Du khách cũng được chứng kiến các nghi lễ được những hậu duệ của nghề yến sào tiến hành một cách bài bản trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng.
Nghi lễ dâng hương trong đền thờ Thủy tổ nghề yến.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết: “Trong giờ phút thiêng liêng này, Công ty Yến sào Khánh Hòa thành kính tri ân và tưởng nhớ đến công đức lớn lao của Thủy tổ, Thánh Mẫu và các vị tiền bối đã sáng lập, phát triển ngành nghề yến sào. Công ty vững tin tiếp bước trên con đường mà Thủy tổ, Thánh Mẫu và các vị tiền hiền, tiền bối đã tâm huyết xây dựng. Với ý nghĩa đó, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên công ty qua các thời kỳ luôn nêu cao trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy, tôn tạo giá trị truyền thống của ngành nghề, phát triển ngành nghề yến sào ngày càng vững mạnh”.
Kế tục sự nghiệp của tiền nhân
Không những bảo vệ, duy trì nghề truyền thống này một cách liên tục, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa còn phát huy tối đa bằng những sáng kiến được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao và được xã hội thừa nhận. Những sáng kiến mang đậm dấu ấn của các nhà khoa học đang làm việc tại công ty không những mang lại nguồn thu to lớn về kinh tế cho công ty và địa phương, mà còn mang ý nghĩa lớn lao hơn, đó là nhân rộng các mô hình từ những sáng kiến này để toàn xã hội cùng hưởng lợi. Từ 8 đảo yến với 40 hang yến ban đầu, đến nay, công ty đã di đàn, nhân đàn quần thể chim yến thành công với 25 đảo cùng 133 hang yến mới, nâng tổng số hang yến lên đến 173 hang với 33 đảo yến trải dài từ Quảng Bình đến Côn Đảo. Công ty đang triển khai áp dụng trên diện rộng toàn bộ các hang còn diện tích làm tổ trên vách hang tại các đảo yến do công ty quản lý.
Lãnh đạo công ty tặng quà lưu niệm cho đại diện Chi tộc họ Lê phường Vĩnh Nguyên và phường Phước Hải.
Cùng với việc di đàn, công trình nghiên cứu ấp nở nhân tạo từ trứng chim yến cũng là một bước đột phá của các nhà khoa học tại công ty. Hàng năm, bằng phương pháp ấp nở nhân tạo, các nhà khoa học đã cung cấp cho tự nhiên 5 vạn con chim yến. Số chim yến này đã “có mặt’’ tại hơn 200 nhà yến trong tỉnh. Đây là những nhà yến do cán bộ kỹ thuật của công ty trực tiếp tư vấn và thiết kế xây dựng.
Trong những năm qua, biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp đã ảnh hưởng đến quần thể đàn chim yến. Với tình hình đó, tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, nhất là lực lượng lao động trên các đảo yến và lực lượng nghiên cứu khoa học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ tại các hang yến như: Xây dựng các mái che, đập chắn sóng, lưới giảm áp lực sóng, hệ thống phun sương ổn định môi trường thuận lợi cho đàn chim yến, bổ sung thức ăn, xây nhà trú đông cho chim yến, thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên các đảo yến; nâng bề mặt diện tích nơi ở của chim yến; nâng cao sản lượng và chất lượng yến sào đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa. Công tác ấp nở nhân tạo chim yến và nuôi chim con đạt hiệu quả cao, đạt hơn 90%, là nền tảng quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển bền vững quần thể chim yến đảo thiên nhiên.
Vượt qua thử thách
Năm 2021 là một năm đầy biến động bởi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Đứng trước tình hình đó, Công ty Yến sào Khánh Hòa xác định phải tăng cường áp dụng bán hàng trên các kênh thương mại điện tử: Shopee, Lazada, Tiki...; xây dựng các kênh marketing trực tuyến trên Google, Website, Facebook, Fanpage và Grabmart với các nội dung hấp dẫn nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty thực hiện xúc tiến thương mại ở nhiều nước. Sản phẩm yến sào đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Úc, Canada, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia. Những tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu sang các nước tiếp tục khởi sắc với nhiều đơn hàng xuất khẩu có sản lượng lớn; giá trị xuất khẩu tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chính sự đoàn kết một lòng của tất cả người lao động, ban lãnh đạo đã giúp Công ty Yến sào Khánh Hòa vượt qua khó khăn. Doanh thu toàn công ty năm 2021 đạt hơn 4.133 tỷ đồng, nộp ngân sách 444,7 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động bình quân đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo việc làm cho hơn 5.400 cán bộ, công nhân viên. Các công ty cổ phần thành viên tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm mới…
Với mục tiêu phổ biến giá trị bổ dưỡng của yến sào Khánh Hòa đến cộng đồng, công ty đã phát triển được hơn 40 dòng sản phẩm chất lượng cao, nâng cao sức khỏe cộng đồng người tiêu dùng, phát triển mạnh mẽ các thương hiệu yến sào Khánh Hòa, Sanest, Savinest, Sanna, Sanestfoods… được khách hàng trong nước và quốc tế tín nhiệm. Thương hiệu yến sào Khánh Hòa vinh dự được công nhận thương hiệu quốc gia lần thứ 2 liên tiếp và đang hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia cho 2 thương hiệu Sanest và Savinest.
Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, công ty sẽ phát triển thêm nhiều hang đảo yến mới, xây dựng các công trình kỹ thuật, hang trú đông trên các đảo yến, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển tài nguyên yến sào đảo thiên nhiên tại các tỉnh; đầu tư các nhà máy trọng điểm, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nâng cao hoạt động các trung tâm dịch vụ, công trình cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh, nỗ lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Năm 1328, Đề đốc nhà Trần là Lê Văn Đạt đã phát hiện ra các đảo yến ở vùng biển Phủ Bình Khang (tỉnh Khánh Hòa ngày nay), mở ra nghề khai thác yến sào ở nơi này và được suy tôn là Thủy tổ của nghề. Sau đó, hậu duệ của Đề đốc Lê Văn Đạt là An phủ sứ Lê Văn Quang và con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm đã có công lớn trong việc bảo vệ, phát triển tài nguyên yến sào trong vùng. Ngày 10-5 năm Kỷ Sửu (năm 1793), Đại đô đốc Lê Thị Huyền Trâm cùng nhiều tướng sĩ thủy quân Tây Sơn đã anh dũng hy sinh để bảo vệ lãnh hải và các đảo yến. Từ đó, bà được nhân dân suy tôn là Đảo chủ Thánh Mẫu, được thờ tại đền trên đảo yến Hòn Nội và lấy ngày này làm ngày giỗ tổ nghề yến. |
Nguồn: Báo Khánh Hòa